Hotline: 028.9999.5151 Chat Zalo Chat Messenger

Trong Văn bản báo cáo của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, kết quả từ “Hội thảo khoa học ứng dụng hệ thống lưu trữ năng lượng và công nghệ nâng cao hiệu suất cho các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam” (diễn ra vào tháng 11/2021 tại Hà Nội), Hội đồng đưa ra nhiều phân tích về tình hình hệ thống, tính cần thiết, vai trò cũng như những thách thức trong phát triển lưu trữ năng lượng. Hội đồng cũng đưa ra 7 đề xuất về giải pháp cho thực trạng hiện tại, trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Hội thảo khoa học ứng dụng hệ thống lưu trữ năng lượng và công nghệ nâng cao hiệu suất cho các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam

Văn bản báo cáo của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam có những điểm quan trọng:

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về khuyến khích phát triển và chuyển dịch năng lượng tái tạo đang đàn đi vào đời sống. Các nguồn năng lượng điện mặt trời, điện gió tại nước ta đang phát triển mạnh mẽ, hiện chiếm 27% tổng công suất cả nước, đây là một điểm khởi sắc.

 

Tuy nhiên, việc phát triển nhanh chóng của điện mặt trời và điện gió từ năm 2019 – 2020 đang dẫn đến dư thừa trong một số thời điểm, gây ra nhiều khó khắc cho việc vận hành an toàn hệ thống điện. Trong năm 2021 dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, sự dịch chuyển lịch phát điện các nhà máy càng lớn hơn, việc cắt giảm, thay đổi diễn ra thường xuyên, càng gây lãng phí.

Hội đồng nhận định, các hệ thống lưu trữ năng lượng ngày càng cần thiết và có vai trò quan trọng trong việc điều độ hệ thống điện. Chúng giúp tránh lãng phí năng lượng bị cắt giảm cả trong hiện tại và tương lai, khi mà ngày càng nhiều nguồn điện tái tạo tích hợp vào hệ thống chung. 

Ngoài văn bản báo cáo của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, buổi Hội thảo còn nhận được sự đóng góp của nhiều bài tham luận, đến từ các cơ quan quản lý nhà nước như Văn phòng ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực, Cục Điều tiết điện lực; các doanh nghiệp trong ngành điện như (EVN, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và rất nhiều các doanh nghiệp nước ngoài khác.

Từ những đóng góp này, Hội thảo đã đưa đề xuất  về 7 giải pháp ứng dụng lưu trữ điện cho hệ thống năng lượng tái tạo Việt Nam.

7 giải pháp ứng dụng lưu trữ điện cho hệ thống năng lượng tái tạo Việt Nam

  1. Hệ thống điện cả nước mang hiện trạng chung là tốc độ tăng trưởng cao, trong đó có sự đóng góp to lớn của năng lượng tái tạo (NLTT) có đặc điểm biến động lớn, nhất là điện mặt trời và điện gió.
  2. Những điểm thuận lợi và khó khăn khi vận hành hệ thống có tỉ lệ NLTT cao.
  3. Việt Nam có nhu cầu và sự cần thiết về lưu trữ điện năng trong thống điện hiện tại và trong tương lai.
  4. Giới thiệu các công nghệ lưu trữ điện năng mới, giá cả và xu thế giảm giá nhanh các hệ thống lưu trữ năng lượng.
  5. Kinh nghiệm quốc tế vận hành hệ thống điện có tỉ lệ NLTT cao và kết nối liên quốc gia.
  6. Di nghẽn lưới truyền tải và không có hệ thống lưu trữ điện, các nhà đầu tư điện NLTT đang bị cắt giảm và ngừng phát điện, gây thiệt hại kinh tế và rủi ro tài chính.
  7. Đề xuất bổ sung chính sách, cơ chế cũng như những quy chuẩn kỹ thuật, tạo điều kiện nghiên cứu, đầu tư và vận hành các hệ lưu trữ năng lượng.

Bức tranh chung của hệ thống điện Việt Nam

Chính phủ có nhiều khuyến khích về phát triển NLTT như giá FIT ưu đãi với hợp đồng mua bán điện kéo dài 20 năm, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị, sử dụng đất và tiếp cận tài chính. Nhờ đó, tính đến tháng 10/2021, nước ta có 3.980 MW điện gió và 16.428 MW điện mặt trời được đưa vào vận hành, tập trung chủ yếu ở miền trung và miền nam.

Đặc điểm của điện gió là hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Đối với điện mặt trời, hiệu suất tăng vọt vào buổi trưa, sau đó giảm nhanh vào chiều tối. Những yếu tố này cho thấy tính ổn định của năng lượng này chưa cao, gây khó khăn ít nhiều cho hệ thống lưu trữ điện. 

Hệ thống lưu trữ năng lượng điện quan trọng như thế nào?

Theo các chuyên gia về năng lượng, khi mức thâm nhập NLTT và hệ thống điện quốc gia tăng lên, chiếm từ 15%, việc đầu tư vào hệ thống lưu trữ là rất quan trọng, có ý nghĩa rất lớn.

Như đã đề cập, tỷ lệ công suất điện NLTT của nước ta hiện đang khá lớn, khoảng 27,2% (dự kiến khoảng 41,5% vào năm 2045). Hiện trạng này đặt ra bài toán lớn cho các nhà quản lý về vận hành hệ thống điện trong dài hạn.

Hiện tại, điện NLTT tại Việt Nam đang làm quá tải lưới điện cục bộ. Thủy điện và các nguồn điện khác phải làm vai trò điều phối linh hoạt, nhưng vẫn không đủ đáp ứng, dẫn tới cắt giảm công suất của điện NLTT. Do đó, các hệ thống lưu trữ điện NLTT là rất cần thiết và quan trọng.

Hiện nay, chi phí các loại pin, ắc quy đang có xu hướng giảm, quy mô sản xuất pin ngày càng lớn. Chi phí pin lithium đã giảm 91% kể từ khi được thương mại vào năm 1999, trong khi đó dung tích pin đã tăng lên gấp 3,5 lần ban đầu. Đây là những thuận lợi đang hiện hữu.

Phát triển lưu trữ năng lượng sẽ gặp phải những thách thức gì?

Mặc dù giá pin lưu trữ cũng như các công nghệ lưu trữ đang giảm, nhưng mức giá hiện tại vẫn khá cao. Các chủ đầu tư điện NLTT chỉ có thể xây dựng các hệ thống lưu trữ quy mô nhỏ.

Thủy điện Tích năng Bác Ái với quy mô 1.200MW là một nguồn lưu trữ rất hiệu quả. Tuy nhiên công trình này chỉ đảm nhiệm chuyển dịch biểu đồ phát điện dưới 500kV khu vực Nam Trung bộ, chưa giải quyết được nhiều điểm nghẽn ở lưới 220kV và 110kV ở các khu vực khác.

Hiện vẫn chưa có những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật đặc thù nào cho hệ thống lưu trữ, đây là một trong nhiều thách thức lớn. Mặt khác, các pin lưu trữ lithium là một nguồn chất thải nguy hại cho môi trường, cần có những quy định về xử lý để bảo vệ môi trường.

Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam.